Giáo dục sớm cho trẻ: Xây dựng nền tảng khởi đầu vững chắc
VHO- Giáo dục sớm là nền tảng vững chắc để phát triển tư duy sáng tạo, giúp trẻ khám phá nhiều hơn về thế giới xung quanh cũng như bộc lộ tiềm năng cá nhân trong giai đoạn đầu đời. Cha mẹ nên áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm để trang bị cho trẻ kỹ năng vận động, tự lập, kiểm soát cảm xúc, quan sát và phân tích nhạy bén... giúp trẻ trở thành những công dân toàn diện, gương mẫu.
Giáo dục con cái trước tiên hãy bằng tình yêu thương. Ảnh trưng bày trong Triển lãm ảnh online “Gia đình - Tổ ấm yêu thương”
Vì sao phải giáo dục sớm?
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), giáo dục sớm là chiến lược đào tạo kiến thức và kỹ năng dành cho trẻ từ 0-8 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển vượt trội của não bộ, nên giáo dục sớm đúng cách sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực trí tuệ, điều chỉnh hành vi và cảm xúc cũng như hình thành nhân cách cơ bản, từ đó đặt nền tảng vững chắc, giúp con xây dựng tương lai tươi sáng.
Lý do cha mẹ nên giáo dục con ngay từ nhỏ là bởi sự phát triển sớm của trẻ rất quan trọng, đặt nền móng cho phần còn lại của cuộc đời con. Bộ não có khả năng tiếp thu cao nhất trong năm năm đầu tiên, dẫn đến những trải nghiệm ban đầu có tác động rất lớn đến sự phát triển của các kết nối thần kinh. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động não bộ của trẻ trong suốt cuộc đời.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, có một thực tế hiện nay là rất nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam thường có tâm lý bao bọc con cái quá mức. Điều này thực sự không hề tốt cho trẻ. Sự bảo vệ của cha mẹ khiến trẻ đánh mất sự chủ động và bị phụ thuộc quá nhiều vào người lớn. Trẻ cũng lười làm việc, hay nhụt chí và không muốn cố gắng. Theo ông, các bậc cha mẹ nước ta cần nhìn sang kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ của người châu Âu hay cách dạy con của người Nhật để có thêm những kỹ năng giáo dục hiệu quả. Ví dụ như những đứa trẻ ở châu Âu thường xuyên sử dụng hai cụm từ “cảm ơn” và “xin lỗi”, là bởi chúng được cha mẹ hướng dẫn từ nhỏ. “Khi trẻ xứng đáng được cảm ơn, cha mẹ đừng quên nói lời này với con. Bên cạnh đó, những lúc con làm sai nhưng biết nói “xin lỗi”, thay vì trách phạt, cha mẹ hãy động viên để con tìm cách khắc phục. Bởi nếu bị trách phạt, trẻ sẽ sợ hãi và dần hình thành thói quen không dám nhận lỗi, xin lỗi. “Cảm ơn” và “xin lỗi” không đơn giản chỉ là lời nói cần dạy trẻ mà còn là nền tảng xây dựng nhân cách trong tương lai. Cũng giống như các khối nhà, móng càng vững chắc thì các khối xây càng cao, chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý hướng dẫn con trẻ ngay từ giai đoạn còn đang trứng nước”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Giai đoạn đầu đời của trẻ được tính từ 0-3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ thường hay mắc lỗi, cha mẹ cần bao dung, tha thứ và yêu thương chúng vô điều kiện. Bởi khi trẻ biết được bố mẹ yêu thương, thì dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng cũng sẽ tự tin và cảm thấy an toàn. Có bố mẹ ở bên, con sẽ luôn hạnh phúc!
Lời nói có sức mạnh diệu kỳ
Chị Dung (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) có một bé trai mới 9 tháng tuổi, chia sẻ quan điểm: “Nhiều người cho rằng việc nuôi dạy con chỉ nên áp dụng khi các bé đã biết nhận thức một cách đầy đủ. Nhưng theo tôi, việc dạy dỗ trẻ phải được áp dụng ngay từ khi các bé lọt lòng”. Cả ông bà nội, ông bà ngoại đều có vẻ rất hồ nghi với cách nuôi con của chị Dung, vì với họ nó quá “hiện đại”. Bé Đức Lâm từ khi mới sinh đã không ngủ cùng giường với bố mẹ, không cần ru hay bế bồng, bé được đặt vào cũi và tự ngủ. Lịch ăn ngủ của bé rất chuẩn giờ giấc. Nhỡ bố mẹ bận việc, lập tức bé sẽ có phản ứng như dấu hiệu để báo với người lớn, cho đến khi đặt bé vào chiếc cũi quen thuộc, bé sẽ tươi cười và “ê a” một mình rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Cách dạy con của chị Dung đã tạo nên một nề nếp sinh hoạt gia đình khoa học, điều này khiến mọi thành viên đều có thời gian nghỉ ngơi và bản thân bé cũng được hài lòng theo ý muốn (mặc dù chưa biết nói), không ai bị stress bởi những tiếng khóc hay lèo nhèo vòi vĩnh... Việc rèn trẻ tự ngủ ngay từ khi lọt lòng như chị Dung là ước mơ của rất nhiều người để thay thế cho những đêm thức trắng do con quấy khóc.
Cũng là việc nuôi dạy con, nhưng những đứa trẻ được giáo dục sớm luôn ý thức được sự gọn gàng, ngăn nắp từ việc tự gấp chăn gối, cho tới sắp xếp bàn học, tủ quần áo riêng; trong khi có những trẻ cứ về đến nhà là quăng ném đồ dùng lung tung, tay chưa rửa đã sà vào bốc bải đồ ăn…
NSƯT Trần Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Quan điểm của tôi là dùng những lời nói yêu thương để khích lệ con trở thành đứa trẻ sống tình cảm”. Vị phụ huynh này thường động viên và khuyến khích con bày tỏ mong muốn của bản thân để bố mẹ thấu hiểu cũng như cùng con trưởng thành theo chiều hướng tích cực. Việc giáo dục con bằng cách làm bạn và hướng dẫn con từ những điều gần gũi nhất sẽ giúp trẻ trở nên linh hoạt, đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử với mọi người. “Khoai” của NSƯT Trần Khải là một cậu bé gần 6 tuổi rất hòa đồng, thân thiện, biết quan tâm đến người khác. Cậu bé cũng có vốn từ ngữ khá phong phú. Trần Khải kể: “Trong cuộc sống hằng ngày, tôi thường động viên con làm những việc nhỏ, phù hợp với lứa tuổi. Cái cách động viên khích lệ con như “Khoai làm được mà”, “Khoai giỏi lắm”... khiến bé rất hào hứng, phấn chấn. Hoặc ví dụ như không muốn con ăn bánh kẹo trước bữa cơm, tôi sẽ giải thích cho con hiểu tại sao không nên làm như vậy, hay con làm điều đó sẽ khiến bố mẹ buồn... Và bé Khoai cũng chấp thuận điều đó một cách vui vẻ”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, cha mẹ cần dạy con thực hiện những công việc như tự ngồi ăn, tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, cách kết bạn, tự đưa ra quyết định… Trong quá trình trau dồi cho con tính tự lập, hãy luôn khích lệ con; hạn chế việc chỉ trích, phê bình mà thường xuyên dành cho con những lời khen ngợi. Việc giáo dục bằng ngôn từ miệt thị không đem lại hiệu quả như mong đợi. Những lời chỉ trích chỉ khiến trẻ trở nên thiếu tự tin, rụt rè, thui chột tiềm năng vốn có.
Việc chú ý đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ ở từng độ tuổi khác nhau là vô cùng quan trọng. Nhồi nhét kiến thức là không nên, bởi điều đó sẽ gây áp lực và khiến trẻ sợ học. Chính vì thế, tạo môi trường cho trẻ được học mà chơi, chơi mà học để trải nghiệm những kiến thức mới, tự rút ra bài học cho bản thân, thích thú với sự khám phá, kích thích trí tò mò tìm tòi và học hỏi là cách mang giáo dục sớm đến với trẻ. Mọi sự cố gắng của giáo dục sớm, các chương trình kỹ năng sống đều với mục tiêu giúp trẻ nắm bắt được cơ hội để phát triển ngay từ những năm đầu đời.
Giáo dục gia đình thành công là giúp trẻ hình thành thói quen tốt, có khả năng xử lý độc lập. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần kịp thời chỉ bảo để dạy trẻ biết tuân thủ nội quy, kỷ luật, luôn kiên nhẫn, bao dung. Có như vậy, trẻ mới có thể sống bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai sau này.
HIỀN LƯƠNG